Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Cổ thụ quý hiếm bị triệt hạ trong vườn cấm Bến E


Bến En là vườn quốc gia, nhưng tình trạng khai thác rừng, đốt hạ nhiều cây cổ thụ quý hiếm đang diễn ra tràn lan tại nơi này.
Khu rừng cấm của vườn Quốc gia Bến En, thuộc địa giới hành chính hai huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hóa), được xem là nơi bảo tồn sinh học, duy trì các loài động thực vật quý hiếm. Nhưng, thời gian gần đây tình trạng chặt phá, đốn hạ gỗ quý hiếm đang diễn ra tràn lan và các cơ quan hữu trách vẫn “bình chân như vại”.
Có mặt tại xã Bình Lương, Như Xuân (Thanh Hóa) sau khi nghe những phản ánh của người dân nơi đây về tình trạng chặt phá, khai thác tràn lan các loại gỗ quý hiếm, PV đã tìm cách để thâm nhập vào “rừng cấm” để ghi lại những cảnh tang thương nơi đại ngàn rừng già.



Những gốc cây đại thụ bị vứt lăn lóc bên đường mòn vào rừng sâu.

Theo chân những người đào măng, hái lá trên con đường đá lởm chởm của thôn Hợp Thành, xã Bình Lương (Như Xuân) tới đầu bìa rừng cầm quốc gia Bến En. Dọc đường đi vào khe Kẹn vẫn còn những vết chân trâu và những vệt chày xước kéo dài trên mặt đất. Ngay bên con đường heo hút là những khúc gỗ quý hiếm nằm lăn lóc bên khe suối còn sót lại.
Trong rừng cấm còn nhiều loài gỗ quý như cây lim, săng lẻ, lát chum, cà ổi… luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm người qua lại. Nhưng lều lán của lâm tặc dựng sẵn còn sót lại nơi đây và những khúc gỗ quý hiếm nằm chỏng chơ bên bìa rừng, lớp than còn âm ỉ như của một cây cổ thụ vừa bị thiêu sống.
Tại tiểu khu 625, trên đỉnh Đông Bao Khế nằm trong vườn cấm quốc gia Bến En, chạy dọc sườn núi thuộc tiểu khu 625 ở địa phận Khe Ngòn, những cây lim đã bị cắt có chiều dài gần 2m, vanh 150cm, đường kính lên đến 40cm vứt bừa bãi.
Theo những lối mòn nhỏ, những cây con vừa bị lâm tặc quần thảo tan nát, nhóm phóng viên đã chứng kiến những cây gỗ thuộc loại quý hiếm như lim, săng lẻ, cà ổi… đang còn khét mùi mùn cưa mà lâm tặc mới đốt hạ nằm ngổn ngang.
Càng đi sâu vào rừng cấm quốc gia thì hiện ra những “công trường” khai thác gỗ được dựng sẵn những bệ cưa. Những khúc gỗ quý hiếm tươi rói có đường kính gần 70cm, vanh 210cm, dài 20m là điều dễ bắt gặp.                              
Trải dọc Đông Bao Khế đi xuống Đông Hãm Tân là một khu rừng có ánh sáng - những cây gỗ tầm 30-40 năm tuổi một người ôm không xuể bị đốn hạ tràn lan - một khu rừng như vừa được phát quang. Đây là hậu quả của những cuộc tàn sát tang thương.
Ngay gần chỗ đứng của PV, một cây Chu Khét bị hạ vẫn chưa vận chuyển ra khỏi rừng, ước tính một cây như vậy xẻ ra khoảng 3m3.
Cách đó không xa là một cây Sến có đường vanh tầm hai người ôm không hết nằm gần lối mòn trên đường đi Đông Hãm Tân của đỉnh Đông Cây Đa cũng vừa mới bị đốn hạ đang còn tươi rói đều là những cây gỗ quý, hiếm thuộc danh mục nhóm 3.
Những khúc gỗ Vàng Cương quý hiếm có vanh gần 2m, nằm chỏng chơ bên đường đi Khe Ngòn khi bắt gặp mà xót xa. Để chặt hạ được một cây đại thụ quý hiếm như vậy, ít nhất phải mất 2 đến 3 ngày, thông thường thì lâm tặc phải dựng lán trại ăn ở trong rừng cả tuần trời để cưa được một cây có đường kính dài gần 1m.
Càng đi sâu vào phía trong Khe Ngòn nước lạnh ngắt da là những lán trại dựng kiên cố của bọn phá rừng còn sót lại. Phía sau đó là “sinh mạng” của những “ông” đại thụ quý hiếm ngàn năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt đã bị triệt hạ!
Điều đáng ngạc nhiên là với sự tàn phá rừng già ngang nhiên như vậy, chính quyền địa phương và ngành chức năng hầu như chưa có một động thái tích cực nào để ngăn chặn. Màu rừng già vẫn tiếp tục chảy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét